Theo dõi: Facebook Youtube Zalo

đã thêm bài Lịch sử nền văn hóa Việt 4 năm trước

Thi cử ở Miền Nam Việt Nam xưa


I - Các cấp bậc

1. Bằng tiểu học
Thập niên 40, cuối bậc tiểu học có kỳ thi tiểu học, thi đậu thì được cấp bằng tiểu học, tiếng Pháp gọi là Certificat (CEPCI - Certificat d’Études Primaire Complémentaire Indochinoise). Những người có được tấm bằng này trong tay có thể kiếm được việc làm "chữ nghĩa" tại văn phòng, lãnh lương khá hậu vào thời ấy.

Sau này thì bằng này được bãi bỏ. Mãi đến thập niên 60 thì học sinh hoàn tất chương trình tiểu học phải hoàn thành kì thi hóc búa hơn: thi tuyển vào các trường trung học công lập. Những kỳ thi này được xem là khó vì số trường công lập chánh phủ lập ra không đủ để phục vụ cho số học trò lúc đó, nên tỉ lệ đậu trường công chỉ độ 62%. Những học sinh không đậu vào trường công phải ghi tên vào trường tư, đóng học phí tốn kém, không được miễn học phí như trường công. Nếu thi lên lớp 6 không đậu vào trường công thì vào lớp tiếp liên tại các trường tư hoặc ở nhà luyện thêm để năm sau thi tiếp, sau 3 kì thì không được thi nữa.

2. Bằng Trung học
Hết lớp 9 bậc trung học để nhứt cấp (bây giờ là cấp 2) có kì thi trung học. Đậu bằng trung học mới được lên trung học đệ nhị cấp. Bằng trung học là thước đo trình độ để tiến thân việc làm cho những người trẻ vào đời. Nữ giới có bằng Trung học thì có thể làm văn phòng, vào trường trung cấp y tế đào tạo y tá hay thi vào sư phạm cấp tốc dạy tiếu học. Nam giới nếu nhập ngũ thì được đào tạo thành hạ sĩ quan, có bằng tiểu học thì chỉ đóng binh nhì.

Và kỳ thi Trung học để nhứt cấp được bãi bỏ vào năm 1967

3. Tú tài I, Tú tài II
Lên đến trung học đệ nhị cấp thì học sinh chọn ban chuyên môn: ban A chuyên về khoa học (sinh vật và lý hóa); ban B chuyên về toán, lý, hóa; ban C chuyên về văn chương, triết học, ngoại ngữ. Các môn chính học nhiều tiết hơn môn phụ, nhưng chương trình học ban nào cũng gồm đủ cả các môn văn, triết, sử, địa, toán, lý hóa, sinh vật, công dân, sinh ngữ 1, sinh ngữ 2. Cuối năm lớp 11 thi Tú tài I, cuối năm lớp 12 thi Tú Tài II. Sau này tú tài I bãi bỏ năm 1973.



........................................

Xem thêm các sản phẩm trang trí của KB Concept tại đây
Liên hệ KB Concept để được tư vấn tận tình theo Hotline: 090 999 8471 (Zalo, Viber)

II - Các kỳ thi

Các kỳ thi Trung học, Tú tài I và II đều là kỳ thi quốc gia, được tổ chức toàn quốc, cùng ngày, cùng đề thi. Đề thi được bộ khảo thí thuộc bộ Giáo dục chọn lựa, niêm phong mật và gửi xuống các ty giáo dục, chỉ được bóc niêm trước giờ thi.

“Ban soạn đề thi bị cô lập ở Sài Gòn khoảng một tuần để hoàn tất việc chọn đề rồi đem niêm phong cẩn thận. Đề thi cho mỗi tỉnh được đựng trong một cái rương nhôm có hai ổ khóa và được giữ bảo mật cho đến gần ngày thi, giao cho hội đồng giám thị của từng tỉnh để phân phát đề thi cho mỗi trung tâm thi xuống tận mỗi phòng thi. Vì bảo mật nên việc di chuyển đề thi có cảnh sát hộ tống.

Mỗi phòng thi có hai giám thị: một giáo sư trung học và một giáo viên tiểu học. Ngoài ra là một giám thị hành lang để giữ trong ngoài nghiêm ngặt không ai ra vào trong khi thi. Bài thi của thí sinh phải có chữ ký của hai giám thị phòng thi để ngăn ngừa việc tráo bài thi. Việc di chuyển bài thi khi thí sinh đã nộp vào cũng đòi hỏi sự cẩn mật như việc di chuyển đề thi.”

1. Thể thức thi cử

Học sinh đến thi tại các trung tâm thi cử theo phiếu báo danh nhận được, không thi tại trường của mình, và không được các thầy cô dạy mình trông thi. Học sinh chỉ mang bút và tẩy vào lớp, giấy thi và giấy nháp do trung tâm khảo thí cấp để tránh chuyện làm “phao”.

Phiếu báo danh sắp thứ tự theo tên, chẳng hạn như những tên An, Ân, Ẩn, Ánh, v.v. được xếp vào cùng phòng thi, tên Thanh, Thêm, Thoa, Thu, Thúy, Thủy, v.v. vào cùng phòng. Mỗi tờ giấy thi có ô vuông trên đầu trang để học sinh ghi tên tuổi, ngày sinh, số báo danh, v.v.. Phần này gọi là “phách” sẽ rọc đi cất riêng sau khi giám khảo ghi mã số vào phần phách và phần bài thi bên dưới để tránh trường hợp giáo sư chấm "thiên vị cho gà nhà"

Sau khi việc chấm bài hoàn tất thì hội đồng thi sẽ mang phách ra ráp lại theo đúng mã số, từ đó mới biết tác giả của từng bài và điểm thi của từng thí sinh, rồi lập bảng điểm và biết ai được “bảng vàng đề tên”, ai phải thở dài ai oán “thi không ăn ớt thế mà cay”.

Kỳ thi Tú tài kéo dài ba ngày lê thê. Sáng ngày thứ nhứt thi môn chính, chiều thi môn phụ. Sáng ngày thứ hai thi môn chính thứ hai: Sinh ngữ Pháp văn, chiều tiếp tục thi môn phụ. Ngày thứ ba thi các môn còn lại.

Môn văn hay triết thường là bình luận một tác phẩm, một đề tài triết, viết dài độ 4-6 trang. Sinh ngữ chính của ban C được dạy 7 năm trung học, đòi hỏi viết một bài luận văn tiếng Pháp (rédaction). Môn sinh ngữ phụ Anh văn đã học 3 năm lớp 10-12 đòi hỏi đọc một bài viết rồi trả lời các câu hỏi (reading comprehension), làm một vài phép văn phạm, dịch một đoạn văn ngắn ra tiếng Việt.

Các môn phụ hệ số thấp như sử, địa, công dân, v.v. cũng phải thuộc làu làu từng quyển sách dầy độ 150-250 trang. Vì thế bảo rằng các cô tú cậu tú có cả “bồ” chữ nghĩa trong bụng cũng không ngoa.

Ngày xưa sau khi vượt vũ môn thi viết còn phải vào thi vấn đáp, sau này kỳ thi vấn đáp đã được bỏ năm 1968.



2. Kết quả thi cử

Những kì thi tú tài là một thử thách lớn đối với học trò thời đó. Cả năm học hành kết quả khá, mà đến ngày thi lỡ bị “tào tháo đuổi” hay hỏng xe không đến được phòng thi là kể như sự nghiệp tan tành, không có mảnh bằng lận lưng là đời tàn trong ngõ hẹp.

Trung bình tú tài I chỉ đậu độ 30%, còn tú tài II, vì đã vượt vũ môn lên từ 30% của tú I, nên có sĩ số đậu khoảng 70%. Thi cử mà chỉ đậu có 30% thì đúng là thi loại bỏ chứ không phải là thi kiểm tra trình độ nữa rồi. Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã có bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc: “Thi hỏng tú tài ta đợi ngày đi (vào quân trường), đau lòng ta muốn khóc”.

Có những học sinh uống thuốc chống ngủ để gạo bài thâu đêm, đế nỗi bị lậm thuốc sinh ra điên loạn. Có những học sinh thi rớt bị gia đình mắng mỏ, hay tự thất vọng đã uống thuốc độc kết liễu đời mình, năm nào báo cũng đăng. Có người thi 7 năm liền mới bằng tú tài! Sau này để “cứu giúp” học sinh thi hỏng, bộ Giáo dục cho thi tú tài II hằng năm hai lần, lần đầu vào đầu hè, lần sau cuối hè, để mọi người có cơ hội “thua keo này ta bày keo khác!”.

Bằng tú tài I đánh dấu một thành quả cao hơn bằng trung học, được vào một số học viện như Học viện Cảnh sát Quốc gia, hoặc trường cao đẳng như Trường Cao đẳng Công chánh, vào quân đội thì được huấn luyện thành sĩ quan, tuy nhiên không được lên đại học. Chỉ có bằng tú tài II mới đánh dấu việc hoàn tất thành công trung học đệ nhị cấp (cấp 3) và mở ra cổng trường đại học. Năm 1973 kỳ thi tú tài I cũng được bãi bỏ , chỉ còn giữ tú tài II.

Theo Nam Kỳ - 南圻

........................................

Xem thêm các sản phẩm trang trí của KB Concept tại đây
Liên hệ KB Concept để được tư vấn tận tình theo Hotline: 090 999 8471 (Zalo, Viber)

 

TOP